Trong lĩnh vực sáng tạo như thiết kế đồ họa (graphic design), việc hiểu rõ và sử dụng thành thạo những thuật ngữ chuyên ngành thiết kế đồ họa là yếu tố quyết định để giúp bạn thực hiện dự án hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tổng hợp và giải thích chi tiết những thuật ngữ trong thiết kế đồ họa kèm theo ví dụ minh họa thực tế, dễ hiểu. Hãy cùng theo dõi ngay nhé!
Những thuật ngữ chuyên ngành thiết kế đồ họa về hình ảnh
Hình ảnh là một trong những yếu tố cốt lõi của lĩnh vực graphic design. Để làm việc hiệu quả, bạn cần phải hiểu rõ những thuật ngữ chuyên ngành thiết kế đồ họa liên quan đến chất lượng, cấu trúc và cách xử lý hình ảnh. Dưới đây là những thuật ngữ quan trọng về hình ảnh mà bạn cần nắm:
- Pixel: Là đơn vị cơ bản cấu thành hình ảnh kỹ thuật số. Một bức ảnh được hiển thị trên màn hình bao gồm hàng triệu pixel xếp cạnh nhau. Nếu như bức ảnh có độ phân giải 1920×1080 nghĩa là nó có 1920 pixel chiều ngang, 1080 pixel chiều dọc.
- Vector: Hình ảnh được tạo nên từ các đường, điểm và phương trình toán học thay vì pixel. Ưu điểm của vector đó là có thể phóng to hoặc thu nhỏ mà không làm mất đi chất lượng hình ảnh. Thông thường, Logo thương hiệu thường được thiết kế theo dạng vector để in trên các danh thiếp nhỏ lẫn biển quảng cáo lớn.
- Raster: Là hình ảnh bitmap được tạo nên từ nhiều pixel. Đây là định dạng phổ biến cho ảnh chụp hoặc những thiết kế chi tiết. Các file định dạng JPEG và PNG đều được xem là các loại file raster.
- DPI (Dots Per Inch): Đây là thông số biểu thị mật độ điểm ảnh khi in. Độ phân giải DPI càng cao thì chất lượng in ấn sẽ càng sắc nét và chi tiết. Đối với in ấn chuyên nghiệp thường yêu cầu hình ảnh có DPI tối thiểu là 300 trở lên.
- Opacity: Đây là thuật ngữ chuyên ngành thiết kế đồ họa nói về độ trong suốt của một đối tượng. 100% opacity là hoàn toàn đục, trong khi đó 0% là hoàn toàn trong suốt.
- Resolution (Độ phân giải): Là số lượng pixel được hiển thị trên một đơn vị diện tích. Độ phân giải càng cao, hình ảnh sẽ được tái hiện càng chi tiết và rõ ràng. Ví dụ một bức ảnh có độ phân giải 4K thì kích thước là 3840×2160 pixel.
- Aspect Ratio: Đây là thuật ngữ thiết kế đồ họa cơ bản về tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều cao của một hình ảnh hoặc một video.
- Stock Photo: Hình ảnh có sẵn từ những trang web cung cấp hình ảnh bản quyền. Những bức ảnh này được sử dụng trong thiết kế mà không cần phải chụp lại. Hiện nay, Unsplash là một trong những trang web mà bạn có thể tìm thấy nhiều stock photo miễn phí nhất.
- Crop: Cắt xén hình ảnh nhằm loại bỏ phần không cần thiết hoặc thay đổi bố cục.
- Clipping Path: Kỹ thuật cắt bỏ nền của một hình ảnh nhằm giữ lại đối tượng chính.
Những thuật ngữ chuyên ngành thiết kế đồ họa về màu sắc
Màu sắc không chỉ mang tính thẩm mỹ mà nó còn ảnh hưởng đến cảm xúc và thông điệp thiết kế truyền tải. Để có thể chọn lựa và kết hợp màu sắc hiệu quả, bạn cần phải hiểu rõ ý nghĩa và ứng dụng của những thuật ngữ sau:
- RGB (Red, Green, Blue): Hệ màu cơ bản được dùng trong thiết kế kỹ thuật số. Khi kết hợp ba màu này, chúng sẽ tạo ra màu trắng.
- CMYK (Cyan, Magenta, Yellow, Key): Hệ màu dành cho in ấn, khác với RGB. Khi kết hợp những màu này, chúng tạo ra màu đen. Trong thực tế, khi in tờ rơi, bạn phải chuyển file từ RGB sang CMYK nhằm đảm bảo màu sắc chính xác nhất.
- Gradient: Hiệu ứng chuyển đổi màu sắc từ giữa hai hoặc nhiều màu.
- Hue: Thuật ngữ mang ý nghĩa chỉ màu sắc cơ bản như là đỏ, xanh, vàng. Trong bánh xe màu, mỗi màu đó đều được gọi là một hue.
- Saturation: Độ bão hòa của màu sắc, cho biết màu có rực rỡ hay là nhạt nhòa.
- Brightness: Độ sáng hoặc độ tối của màu.Việc tăng brightness sẽ làm hình ảnh sáng hơn nhưng nếu bạn tăng quá nhiều có thể làm mất chi tiết.
- Contrast: Độ tương phản giữa những phần sáng và tối. Khi chụp ảnh chân dung, mọi người thường tăng độ contrast lên cao nhằm làm nổi bật các chi tiết khuôn mặt.
- Pantone: Hệ thống mã hóa màu chuẩn hóa thường sử dụng phổ biến trong ngành in.
- Monochrome: Chỉ sử dụng một gam màu duy nhất và những sắc thái khác nhau của nó.
Những thuật ngữ trong thiết kế đồ họa liên quan đến bố cục
Bố cục (layout) là yếu tố quan trọng quyết định đến sự cân đối, hài hòa và thu hút người xem trong một thiết kế. Dưới đây là những thuật ngữ trong thiết kế rất phổ biến khi nói về phương diện này:
- Grid (Lưới): Là hệ thống đường ngang, dọc dùng căn chỉnh và sắp xếp những yếu tố trong thiết kế nhằm tạo sự nhất quán và cân bằng trong bố cục. Trong thiết kế website, grid thường được chia trang thành 12 cột để dễ dàng bố trí nội dung.
- Alignment (Căn chỉnh): Sắp xếp những thành phần trên một đường thẳng hoặc theo một quy tắc nhất định tạo cảm giác gọn gàng và dễ đọc.
- Whitespace (Khoảng trống): Là không gian trống giữa những yếu tố trong thiết kế giúp thiết kế thông thoáng và tập trung vào nội dung chính.
- Hierarchy (Thứ tự phân cấp): Phương pháp sắp xếp nội dung theo thứ tự quan trọng giúp cho người xem dễ dàng nhận biết điểm nhấn. Ví dụ như tiêu đề được đặt lớn và đậm, trong khi đó nội dung chi tiết nhỏ hơn.
- Margins (Lề): Là khoảng cách giữa nội dung và các cạnh của thiết kế giúp không bị “nghẹt” và dễ nhìn.
- Padding (Đệm): Những nhà thiết kế thường sử dụng thuật ngữ này để nói về khoảng cách giữa nội dung và đường viền bên trong của một phần tử.
- Bleed (Vùng tràn lề): Phần mở rộng của thiết kế ra ngoài kích thước thực tế nhằm tránh lỗi khi cắt xén. Ví dụ như trên tờ rơi có kích thước in là A4 sẽ được thiết kế với bleed tăng thêm 3mm ở mỗi cạnh để khi in ra sẽ không bị mất nội dung.
- Columns (Cột): Phân chia nội dung thành những phần đứng tạo cảm giác gọn gàng và dễ đọc.
- Focal Point (Điểm nhấn): Là phần quan trọng nhất trong thiết kế đồ họa, thu hút ánh nhìn đầu tiên của người xem.
- Scale (Tỷ lệ): Kích thước của những yếu tố trong thiết kế so với nhau, tạo nên cảm giác cân đối hoặc nổi bật.
Những thuật ngữ trong thiết kế đồ họa về typography
Typography (nghệ thuật chữ) là yếu tố quan trọng làm nên “linh hồn” của một thiết kế. Sự lựa chọn và sắp xếp những kiểu chữ không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà nó còn quyết định mức độ dễ đọc của nội dung. Dưới đây là những thuật ngữ trong thiết kế đồ họa về typography mà bạn cần nắm:
- Serif (Chữ có chân): Kiểu chữ có nét gạch nhỏ ở đầu hoặc ở cuối các ký tự. Thường mang phong cách cổ điển và trang trọng. Times New Roman cũng là một trong những cỡ chữ serif phổ biến thường thấy trong sách báo, tạp chí,…
- Sans-serif (Chữ không chân): Kiểu chữ này không có nét gạch nhỏ, mang phong cách hiện đại, tối giản. Arial và Helvetica là những font sans-serif thường dùng trong thiết kế trang web.
- Kerning (Điều chỉnh khoảng cách chữ): Thể hiện việc thay đổi khoảng cách giữa hai ký tự cụ thể nhằm tăng tính thẩm mỹ.
- Tracking (Khoảng cách đều giữa các ký tự): Tăng hoặc giảm khoảng cách giữa tất cả những ký tự trong một đoạn văn bản. Những designer thường sử dụng tracking rộng trong tiêu đề để tạo nên cảm giác thoáng.
- Leading (Dẫn dòng): Khoảng cách giữa những dòng văn bản, ảnh hưởng đến tính dễ đọc. Ví dụ như các văn bản quá sát nhau sẽ gây khó đọc, cần tăng leading để thoải mái hơn.
- Ligature (Chữ ghép): Hai hoặc nhiều ký tự được kết hợp thành một ký tự duy nhất nhằm tăng tính thẩm mỹ.
- Font Weight (Độ dày của chữ): Đây là thuật ngữ chuyên ngành thiết kế đồ họa quy định về độ đậm nhạt của chữ, từ rất mỏng (thin) cho đến rất đậm (bold).
- Typography Hierarchy (Phân cấp kiểu chữ): Quy định mức độ quan trọng giữa những phần nội dung bằng cách thay đổi kích thước, màu sắc hoặc độ dày.
- Typeface (Kiểu chữ): Tập hợp những thiết kế ký tự có chung một phong cách.
Một số thuật ngữ chuyên sâu trong ngành thiết kế đồ họa
Khi đi vào các lĩnh vực chuyên sâu như là in ấn hoặc thiết kế website, việc nắm bắt những thuật ngữ chuyên ngành giúp bạn có thể giao tiếp tốt hơn với những chuyên gia và tránh sai sót trong quá trình làm việc. Dưới đây là một số thuật ngữ nâng cao mà bạn cần nắm:
- Crop Marks (Dấu cắt): Những dấu nhỏ trên file thiết kế in để chỉ vị trí cắt nhằm đảm bảo sản phẩm có kích thước chuẩn. Trong các tài liệu in, crop marks được thêm vào để máy cắt nhận biết được ranh giới thiết kế.
- CMYK (Cyan, Magenta, Yellow, Key): Thuật ngữ màu dành riêng cho in ấn, khác với hệ màu RGB (dùng trên màn hình). Việc chuyển đổi màu từ RGB sang CMYK là một bước quan trọng trước khi in.
- Pantone Matching System (PMS): Hệ thống mã màu chuẩn hóa để đảm bảo được tính nhất quán trong in ấn, đặc biệt khi in nhiều lần hoặc ở những xưởng khác nhau. Chẳng hạn như in Logo công ty thường sẽ sử dụng màu Pantone để duy trì màu sắc đồng nhất trên mọi chất liệu.
- Overprint (Chồng màu): Kỹ thuật chồng những lớp màu lên nhau để tạo hiệu ứng màu đặc biệt hoặc là tránh lỗi in ấn.
- Imposition (Sắp xếp trang in): Quá trình sắp xếp những trang tài liệu trên một tấm in để tiết kiệm giấy và đảm bảo thứ tự khi gấp lại.
- Resolution (Độ phân giải): Đối với in ấn, độ phân giải lý tưởng là 300DPI nhằm đảm bảo chất lượng cao. Chẳng hạn như hình ảnh trên website có thể chỉ cần 72 DPI nhưng khi in cần phải nâng lên 300 DPI.